Loading...
Aug 30, 2012

Ánh sáng và mắt trẻ


Ánh sáng Mặt trời giúp trẻ em tránh bị cận thị

Các nhà nghiên cứu ở Hội đồng Nghiên cứu Ôxtrâylia cho biết để trẻ chơi ngoài trời từ hai tới ba giờ mỗi ngày giúp điều tiết sự phát triển của mắt và làm giảm đáng kể nguy cơ bị cận thị ở trẻ nhỏ.
Giáo sư Ian Morgan, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết cận thị, một hiện tượng thường xảy ra trong nền giáo dục cao, đã đạt mức kỷ lục ở Tây Á. Con số trẻ em bị cận thị ngày càng tăng ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở Singapo, 90% số người đi học đều phải đeo kính cận. Morgan cho biết: “So với Ôxtrâylia, tỉ lệ này chỉ là 20%. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về điều này vì ở một nền giáo dục tốt như Ôxtrâylia nhưng tỉ lệ cận thị lại không hề cao”. Một nghiên cứu so sánh cho thấy rằng 30% trong số những trẻ em 6-7 tuổi ở Singapo bị cận thị trong khi đó con số này ở Ôxtrâylia chỉ là 1,3%.
Một điểm khác biệt đáng kể giữa các nước này là thời gian dành cho trẻ ở ngoài trời khác nhau. Trẻ nhỏ ở Singapo chơi ở ngoài trời trung bình khoảng 30 phút trong khi ở Ôxtrâylia là hai tiếng. Cả hai nhóm này đều dành giời gian đọc sách, xem ti vi và chơi điện tử như nhau. Điều này loại bỏ giả thiết cho rằng màn hình ti vi và máy tính là nguyên nhân làm hại mắt trẻ. Morgan cho biết: “Nguyên nhân làm cho mọi người bị cận thị là giáo dục. Và biện pháp để mọi người có thể tránh được cận thị đó chính thư giãn ở ngoài trời”.
Nghiên cứu này là một phần trong dự án dài hạn nghiên cứu về mắt của Hội đồng nghiên cứu Ôxtrâylia do chính phủ nước này tài trợ.
Theo AFP

Dùng ánh sáng tự nhiên là tốt nhất cho mắt trẻ

Gần đây, nhiều người dân đổ xô đi mua các loại đèn chống cận cho con với hy vọng sẽ ngăn ngừa được bệnh cận thị – hiện đang rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Thanh Hà – Trưởng khoa Mắt, BV Hữu Nghị, cách chống cận tốt nhất cho trẻ là dùng ánh sáng tự nhiên, ăn uống đủ chất và ngồi học đúng tư thế.
Ánh sáng nhân tạo, một nguyên nhân gây cận
BS. Hà cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em bị cận thị ở Việt Nam chiếm tới khoảng trên 50%. Trong đó, trẻ em ở thành phố. Đặc biệt, các thành phố lớn thường có số lượng mắc bệnh nhiều hơn so với trẻ em ở nông thôn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mắt trẻ bị cận thị. Trong đó, việc sử dụng ánh sáng không đủ, không hợp lý, dùng quá nhiều các nguồn sáng nhân tạo từ các bóng đèn điện và đèn học cũng là một yếu tố làm gia tăng bệnh cận thị ở trẻ.
Các loại bóng đèn có ánh sáng trắng lạnh có nhiều tia tử ngoại sẽ gây hại cho mắt, còn ánh sáng vàng sẽ gây nóng cho mắt. Vì vậy, nên sử dụng đèn có ánh sáng đỏ.
Theo BS. Hà, hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có một loại đèn nào có thể chống được cận. Các loại đèn đều ít nhiều có ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Những loại đèn dùng dây tóc thường có ánh sáng ít hại mắt hơn so với các loại đèn huỳnh quang.
“Tuy nhiên, ánh sáng tốt nhất cho mắt của trẻ là ánh sáng tự nhiên. Loại ánh sáng này rất ổn định nên mắt không phải mỏi mệt khi thường xuyên điều tiết độ sáng tối. Mặt khác ánh sáng tự nhiên ít tia tử ngoại gây hại cho mắt”, BS. Hà chia sẻ.
Ngoài ra, ảnh hưởng của điều kiện và môi trường sống cũng làm bệnh cận thị tăng nhanh. Trẻ học quá nhiều, thời gian cho mắt nghỉ ngơi không đủ, trẻ đọc sách và xem ti vi quá gần, nhìn chữ nhỏ.
Sử dụng máy tính nhiều, tập trung chú ý của mắt khi chơi game liên tục nhiều giờ, tư thế ngồi học không đúng, dinh dưỡng bổ sung cho mắt không đầy đủ cũng là những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị cận thị.
Thay đổi môi trường và ăn uống đủ dinh dưỡng
Theo BS. Hà, hiện nay chưa có một phương pháp nào có thể chữa trị được bệnh cận thị. Vì thế cách tốt nhất là nên thay đổi môi trường học tập, làm việc và sinh hoạt, cũng như cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Cần phân phối thời gian học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Học tập phải kết hợp với giải trí, thư giãn, tập thể dục thể thao giúp mắt căng thẳng, mệt mỏi.
Phải thường xuyên thay đổi môi trường ánh sáng. Kết hợp sử dụng ánh sáng tự nhiên với ánh sáng đèn điện. Nên bố trí không gian học gần cửa sổ, để trẻ nhỏ có thể tận dụng tốt nhất nguồn ánh sáng mặt trời.
Cần có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có vitamine, nhất là vitamine A để chống quá trình lão hóa và oxy hóa tại tế bào mắt như: cà rốt, cà chua, đu đủ, rau xanh, trứng gà, vịt, củ cải đường, bí đỏ …
Khi bị cận cần đeo kính đúng số, đúng chế độ, phù hợp với khả năng nhìn rõ của mắt.
Những em nhỏ cận dưới 2 độ, không nên đeo kính thường xuyên, chỉ khi nào nhìn xa không rõ thì nên dùng kính. Phải thường xuyên đi khám mắt định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/1 lần.
“Các bậc cha mẹ phải luôn để ý đến con em mình, khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ bị cận thị thì nên cho các em đến khám mắt ngay. Phát hiện càng sớm càng tốt, tránh để trường hợp nhiều cháu khi đến khám mắt thị lực chỉ còn 1/10 – 2/10”, BS. Hà khuyên.
Khi học phải ngồi đúng tư thế. Ngồi thẳng lưng, đầu cúi 10 -15 độ. Khoảng cách mắt đến bàn học 25 cm với học sinh tiểu học, 30 cm với học sinh trung học cơ sở, 35 cm cho học sinh trung học. Không ngồi, quỳ để đọc hay viết bài.
Phòng học phải đảm bảo đủ ánh sáng. Không nên dùng đèn neon, nên dùng bóng đèn dây tóc.
Không đọc sách và truyện với cỡ chữ quá nhỏ. Không nên đọc sách báo khi đi tàu, xe, máy bay. Không đọc sách và xem ti vi quá gần. Mắt phải cách màn hình ti vi ít nhất 2,5m.
Sau 45 phút nên cho mắt nghỉ giải lao. Phóng tầm mắt ra xa để mắt được thư giãn rồi mới học tiếp.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Toggle Footer
TOP