RAU ĐẮNG BIỂN
-Tên gọi khác: rau sam đắng, cây ruột gà, cây ba kích,
-Tên tiếng Anh: Water Hyssop, Bacopa.
-Tên khoa học: Bacopa monnieri (L.) Wettst.
-Tên đồng nghĩa: Herpetis monnieri (L.) H.B.K., Gratiola monniera L., Septas repens Lour., Bramia indica Lamk.
Bộ (ordo): | |
Họ (familia): | Hoa Mõm Chó (Scrophulariaceae) |
Chi (genus): | Bacopa |
Loài (species): | Bacopa monnieri |
Phân bố
Cây rau đắng biển thường phát triển trong khu vực đầm lầy trên khắp Ấn Độ , Nepal , Sri Lanka , Trung Quốc , Đài Loan , Việt Nam , và cũng được tìm thấy ở Florida , Hawaii và các tiểu bang miền Nam khác của Hoa Kỳ, nơi nó có thể được phát triển trong điều kiện ẩm ở vườn, ao, đầm lầy .
Ở Việt Nam, cây phân bố ở khắp các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc và miền Nam. Cây ưa sáng thường mọc trên đất ẩm, pha cát lẫn với các loại cỏ thấp ở bờ ruộng, các bãi cỏ ẩm từ vùng thấp lên tới độ cao 500 m, bãi sông, bờ kênh mương, ở Nam Bộ thường gặp ở vùng ĐBSCL.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, cây còn có khả năng mọc chồi khỏe từ kẽ lá, kể cả phần còn sót lại sau khi cắt.
Mô tả
-Thân: Rau đắng biển là loài cây thân thảo sống dai có thân nhẵn, mọc bò. Các cành mọc đứng mềm, không lông, rất đắng.
-Rể: mọc từ gốc và nách lá mang rễ dài 10-40cm.
-Lá: mọc đối, không cuống, thuôn hình muỗng, dài cỡ 1cm, gân chính hơi khó thấy.
-Hoa: mọc riêng lẻ ở nách lá, có cuống 1cm, có 5 lá đài không đều, cao 5-6mm, 5 cánh hoa trắng gần nhau, dính nhau ở dưới thành ống, 4 nhị, nhuỵ có bầu, không lông.
-Quả: nang hình trứng có mũi, nhẵn, có vòi tồn tại trong đài.
-Hạt: nhiều, rất nhỏ.
Thành phần hóa học
Cây rau đắng biển chứa alkaloid:
-brahmin, có tác dụng giống strychnin nhưng ít độc tính hơn.
-3 base: β1- oxalat, β2-oxalat, β3-chloroplatinate và sterol.
Ngoài ra còn alkaloid khác là herpestin, bacosid A và B, monnierin; hersaponin, có tác dụng chủ yếu giống resercin và chlororomazin, acid betulic, d–mannitol, stigmastarol, β-sitosterol và stigmasterol ở trạng thái tự do.
Hiện nay, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ phần nào về loài rau này. Rau đắng biển có chứa hoạt chất saponin gồm bacoside A và bacoside B, có tác dụng gia tăng tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động ở hệ thần kinh, chống oxy hoá tế bào não, giúp cho sự tỉnh táo (alertness) và nhận thức (awareness).
Một số người Ấn Độ cổ gọi cây này là Phenavati. Theo tiếng Phạn thì “Phena” có thể tạm hiểu là tính tạo bọt. Quả thật khi rau đắng được nấu với nước, nó sẽ sản sinh ra lượng bọt nhiều mà ngày nay người ta cho rằng khối bọt này chính là saponin trong rau đắng biển được phóng thích ra.
Công dụng
a-Rau đắng biển được dùng làm rau
1-Dùng để ăn sống: Có thể dùng riêng hoặc dùng chung với các loại rau khác. Tuy nhiên do vị đắng đậm nên rất ít người quen ăn sống. Rau đắng biển ăn với cháo nóng rất tốt.
2-Rau luộc: Rau đắng biển tốt nhất là đem luộc, chất đắng bị loại bớt do tan vào nước. Rau đắng biển luộc chấm với thịt kho, cá kho, tương, chao, mắm kho, mắm ruốc…
3-Xào: Rau đắng biển được xào với dầu, mỡ, nước cốt dừa vớt thịt, tôm, ếch, nhái.
4-Nấu canh: Rau đắng biển có thể náu canh với thịt, cá, tôm, cua, ếch, nhái ăn rất bổ dưỡng.
b-Rau đắng biển được dùng làm thuốc
-Rau đắng biển được sử dụng trong nền y học cổ truyền Ấn Độ cách đây 3.000 năm. Những dược tính chữa bệnh hết sức kỳ diệu của loài thực vật này đã khiến người dân cổ xưa Ấn Độ dành cho nó một thái độ tôn kính.
Theo các tài liệu y học cổ của Ấn Độ, loài thực vật này có tác dụng giúp tăng trí nhớ, giảm sự mệt mỏi về tinh thần, chữa bệnh động kinh, điên rồ, hen suyễn, mất tiếng, một số bệnh về đường ruột và dùng thân lá trị rắn cắn.
-Ở Xri Lanca toàn cây dùng làm thuốc xổ, và đun nước nóng rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như da voi.
-Theo các tài liệu Y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu tiêu thũng , thường dùng trong các trường hợp kiết lỵ, sưng mắt đỏ, viêm gan, suyễn, trợ thần kinh, trợ tim, động kinh, sử dụng làm thuốc xổ, ho, dùng ngoài trị ghẻ, còn dùng khai vị kích thích, chống co thắt, thông hơi, trợ thần kinh và trợ tim …
-Các nghiên cứu gần đây nhất của Châu Âu cho thấy rằng chiết xuất của cây rau đắng biển nâng cao năng lực bộ nhớ, cải thiện hoạt động trí tuệ.
-Các nhà khoa học hiện đại còn phát hiện rau đắng biển có tác dụng giảm đau, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, dùng tốt cho hội chứng ruột kích thích, cho bệnh nhân Alzheimer, những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ…
0 nhận xét:
Post a Comment