Loading...
Nov 25, 2012

CÂY BỒN BỒN



CÂY BỒN BỒN

Cây bồn bồn (cỏ nến) (Typha orientalis)

Cây bồn bồn (cỏ nến) được trồng ở Cà Mau

Dưa chua bồn bồn

Phân loại khoa học

Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
Ngành (Phylum):
Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (Class):
Thực vật một lá mầm (Monocots)
(không phân hạng):
Thài lài (Commelinids)
Bộ (ordo):
Hòa thảo (Poales)
Họ (familia):
Cỏ nến hay Hương Bồ (Typhaceae Juss. (1789))
Chi (Genus):
Cỏ nến (Typha)
Loài (Species)
Typha angustata: hương bồ đài hoa dài
Typha angustifolia: cỏ nến, bồn bồn, thủy hương bồ
Typha davidiana: hương bồ, cỏ nến
Typha latifolia: hương bồ lá rộng
Typha minima: hương bồ nhỏ
Typha orientalis: hương bồ phương đông, bồn bồn...

Họ Cỏ nến hay Hương bồ (Typhaceae) là một họ thực vật có hoa thuộc bộ Hòa thảo. Họ này được phần lớn các nhà phân loại học công nhận. Các tên gọi của các loài là hương bồ, cỏ nến, bồn bồn. 
Hệ thống APG II năm 2003 (không thay đổi từ hệ thống APG năm 1998) cũng công nhận họ này và vẫn giữ nó trong bộ Hòa thảo, thuộc nhánh commelinids (nhánh Thài lài) của nhóm monocots (thực vật một lá mầm). Theo APG II, họ này chỉ có một chi là chi Typha, với khoảng 8-13 loài thực vật thường xanh của các môi trường sinh sống ẩm ướt.
Chi Cỏ nến (Typha) có hoa trông giống như cây nhang hay cây nến, là một Chi gồm nhiều loài thực vật thân thảo, thuộc cùng họ Hương Bồ hay Cỏ nến (Typhaceae) như Typha orientalis, Typha auhustata, Typha augustifolia, Typha latifolia, Typha daviana,Typha minima…Chúng đều được gọi chung là cây Cỏ nến hoặc cây Hương bồ.
Cây bồn bồn có tên khoa học là Typha orientalis G.A. và một số cây tương cận khác có các tên khoa học là: Typha auhustata Bory et Chaub, Typha latifolia L.,Typha daviana Hand Mazz, Typha minima Funk... Tất cả đều cùng Họ hương bồ (Typhaceae).
Bồn bồn còn có nhiều tên khác như: Thủy hương bồ, hương bồ thảo, cỏ nến...
Các nước nói tiếng Anh gọi Cỏ nến  là cây Đuôi mèo (cattails) cũng do hoa của nó giống đuôi con mèo.

Phân bố

Chi Cỏ nến hoặc Hương bồ phân bố rộng rãi trên thế giới ở bán cầu Bắc.
Cây bồn bồn Typha orientalis, thường được gọi là cây bồ hoàngbullrush,cumbungi  tại Úc , hoặc raupō  New Zealand , là một cây thân thảo lâu năm trong chi Typha . Nó có thể được tìm thấy ở Việt NamÚcNew Zealand, Malaysia , Indonesia và Tây Thái Bình Dương.
T. orientalis là loài thực vật sống ở vùng đất ngập nước phát triển trên các cạnh của ao, hồ và sông, suối có dòng chảy chậm.
Ở Việt Nam Cỏ nến mọc hoang ven rìa đầm lầy nước ngọt hoặc lợ, ít phèn, chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau (thuộc cực nam Nam Bộ), tuy cũng gặp rải rác ở các vùng đất ngập nước khác của miền tây Nam Bộ như Đồng Tháp, An Giang,… vì nước nhiều phèn nên Cỏ nến không phát triển.

Mô tả

Thân: Nhìn thoáng qua cỏ nến gần giống như cây lác (cói) dệt chiếu, cao từ 1-2 mét.  Cỏ nến ở các nước ôn đới có thể cao đến 7 m.
Lá: Lá dài và hẹp.
Hoa: Hoa đơn tính, nằm trên cùng một trục trông giống như một cây nến, hoa đực ở trên có lông ngắn màu vàng nâu, hoa cái ở dưới có lông màu nâu nhạt.
Quả: Quả nhỏ hình thoi. 
Phấn hoa của các loài cỏ nến được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông với tên là bồ hoàng.
Vào tháng 4 – 8 dương lịch, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), giã hay rũ lấy phấn hoa, rây loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô, cất trong lọ kín dùng dần.
Thứ phấn hoa hạt nhỏ, màu vàng óng, tốt hơn thứ màu nâu. Bồ hoàng có thể dùng sống, sao vàng hoặc sao đen - tuỳ thuộc vào loại bênh được chữa, và công dụng làm thuốc của bồ hoàng cũng rất đa dạng vì chữa được rất nhiều bệnh.

Công dụng

Phần non cây bồn bồn dùng làm rau

Ở New Zealand cây bồn bồn được gọi là Raupō,  là loài cây khá hữu ích cho tộc người Māori. Thân rễ non đã được nấu chín để ăn, trong khi những bông hoa đã được nướng thành bánh. 
Ở Việt Nam, Bồn bồn thường mọc hoang ở vùng đất thấp, có nhiều phèn mặn ở Nam Bộ. Người Miền Tây Nam Bộ bóc lấy phần gốc non cây Cỏ nến làm rau sống, bóp gỏi hay muối dưa để ăn và gọi là rau Bồn bồn.
Mùa hái bồn bồn bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 (mùa nước nổi).  Mỗi lần vào mùa bồn bồn, người ta chọn phần tươi non của cây bồn bồn (thân, lá, gốc)  chế biến thành nhiều món ngon.
Bồn bồn là món rau đặc sản địa phương ở Cà Mau từ lâu đời. Nhưng khi du lịch phát triển, loại rau đặc sản này trở nên nổi tiếng vì được nhiều người tứ xứ ưa chuộng tìm mua nên nguồn bồn bồn hoang dại tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Từ đó nhiều nông dân Cà Mau có sáng kiến trồng cây bồn bồn trên ruộng trũng với thu nhập kinh tế cao hơn trồng lúa.
Bồn bồn là một loại rau sạch, có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trồng để phát triển kinh tế gia đình. Nông dân vùng U Minh Hạ trồng Bồn bồn xen với lúa, kết hợp với nuôi cá. Những năm qua đã có hàng ngàn hộ dân trồng Bồn bồn cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên cho tới khi cung vượt cầu làm Bồn bồn rớt giá…Cho đến hiện nay ở tỉnh Cà Mau có hơn 500 ha được trồng cây bồn bồn, sản phẩm bồn bồn làm dưa chua được bán ra khắp cả nước, chủ yếu được tiêu thụ ở các nhà hàng đặc sản và trong các đám tiệc.
Đến Miền Tây Nam Bộ, ai cũng thích món dưa Bồn bồn ăn với cá rô đồng kho tộ, Bồn bồn làm rau trong các món lẩu, Bồn bồn xào tôm, xào thịt các loại… Bồn bồn được các nhà hàng, khách sạn trong miền chế các món dân dã nhưng rất được thực khách ưa chuộng. Giá Bồn bồn tươi ở thị trường Cà Mau có lúc lên đến 30.000 đ/kg, giá dưa Bồn bồn 40.000 đ/kg.

Lá cây bồn bồn dùng làm tấm lợp

Ở New Zealand lá cây bồn bồn (Raupō) được sử dụng để lợp nhà và dựng vách cũng như làm phên cho những cánh buồm thuyền độc mộc. Tộc người Māori giới thiệu đem trồng raupō ở quần đảo Chatham ở phía đông của miền nam New Zealand.

Cây cỏ nến (bồn bồn) có tác dụng cải thiện môi trường, sinh thái vùng đất ngập nước

Theo Nguyễn Đình Hòe-Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt nam cho biết:
“Cỏ nến còn những vai trò quan trọng khác trong sinh cảnh đất ngập nước. Cỏ nến thường mọc thành quần xã dày đặc ở ven bờ hồ hay đầm. Các bụi Cỏ nến là nơi làm tổ của nhiều loài côn trùng, lưỡng cư và chim. Một số loài động vật như chuột xạ chuyên ăn Cỏ nến. Nhiều loài chim lại có thói quen thu nhặt lá Cỏ nến khô về làm tổ. Tập đoàn Cỏ nến có tác dụng lọc nước, làm giảm các chất thải nhất là chất hữu cơ đổ vào hồ, đầm, từ đó làm giảm khả năng hồ, đầm bị phú dưỡng. Cỏ nến còn có thể dùng để sản xuất ethanol. Rễ Cỏ nến có khả năng chống xói mòn rất tốt. Thời gian dài qua đi, cỏ nến có vai trò tích cực trong việc làm khô đầm lầy. Ở Cà Mau, vùng ruộng trũng ngập sâu đang canh tác lúa - tôm hoặc trồng lúa có diện tích lên đến hơn 230.000 ha, đều có thể trồng Cỏ nến kết hợp với nuôi tôm hay nuôi cá đồng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn độc canh tôm hay lúa. Vai trò điều hòa sinh thái của cây Cỏ nến khiến cho hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc chữa bệnh cho tôm, cá hầu như không cần sử dụng. 
Về nhiều phương diện, Cỏ nến là loài thực vật quý của vùng đất ngập nước Miền Hạ Nam Bộ”.

Cây cỏ nến (bồn bồn) dùng làm thuốc

Phấn hoa của các loài này cũng được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông với tên gọi bồ hoàng.
Theo y học cổ truyền Việt Nam
Hoa bồn bồn có tác dụng tốt trong điều trị bệnh, nhất là những bệnh của phụ nữ.
Hoa bồn bồn thuộc loại đơn tính, nằm trên cùng một trục, hoa đực ở trên có lông ngắn màu vàng nâu, hoa cái ở dưới có lông màu nâu nhạt.
Khi thu hái cây bồn bồn, cắt lấy hoa đực phơi khô, giã nhỏ, rây lấy phấn hoa, đem phơi lại lần nữa. Loại phấn hoa này có tên là bồ hoàng (Pollel Typhae), nếu để nguyên như thế gọi là sinh bồ hoàng, đem sao đen gọi là hắc bồ hoàng.
Bồ hoàng là vị thuốc đã được ông bà ta và nhiều dân tộc ở phương Đông sử dụng từ hàng ngàn năm trước.
Theo các tài liệu đông y cổ, bồ hoàng có vị cam, tính bình; đi vào ba kinh can, tỳ và tâm bào. Sinh bồ hoàng có tác dụng hoạt huyết, hành ứ, tiêu viêm; dùng chữa các loại bệnh trật đã tổn thương, phụ nữ đau bụng kinh, kinh bế, kinh nguyệt không đều, huyết ứ, đau ngực, đau hông, bạch đái, tiểu tiện không thông và một số trường hợp bị viêm nhiễm.
Riêng hắc bồ hoàng có tác dụng thu liễm, chỉ huyết, dùng để chữa các chứng ho ra máu, khạc ra máu, chảy máu cam, thổ huyết, rong kinh, rong huyết, tiểu tiện ra huyết...
Bồ hoàng được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột đều có hiệu quả. Liều dùng mỗi lần từ 4-8g.
Tuệ Tĩnh, danh y của Việt Nam, rất tâm đắc với vị thuốc bồ hoàng, ông đã để lại trong Nam dược thần hiệu những bài thuốc hay có bồ hoàng như:
1-Thổ huyết: Bồ hoàng sao đen mỗi lần uống từ 4 - 8g.
2-Chảy máu cam: Bồ hoàng sao đen 4g và thanh đại 4g; uống một lần.
3-Đại tiện ra máu: Bồ hoàng sao đen, mỗi lần uống từ 4 - 8g với nước cốt lá sen và nước cốt củ cải.
4-Khạc ra máu: Bồ hoàng và lá sen, hai vị bằng nhau, sao, tán bột; mỗi lần uống từ 8 - 12g.
5-Đau bụng kinh, rong kinh, kinh nguyệt không đều: Bồ hoàng sao, lá lốt tẩm muối sao, tán nhỏ luyện mật làm hoàn bằng hạt đậu; mỗi lẫn uống 30 hoàn.
6-Sản phụ đau bụng do máu hôi ra không hết: Bồ hoàng sao qua một lớp giấy, mỗi lần uống 4g.
Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng ghi lại một bài thuốc kinh nghiệm trong tác phẩm “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” dùng chữa các chứng xuất huyết bên trong: Bồ hoàng 5g, cao ban long, cam thảo 2g; sắc uống.
Một số y thư của Trung Quốc cũng ghi lại nhiều bài thuốc kinh nghiệm có bồ hoàng như sau:
1-Lưỡi sưng đầy miệng: Sinh bồ hoàng đặt dưới lưỡi, ngày thay vài lần là khỏi (Giản tiện phương).
2-Thổ huyết, tiểu tiện ra huyết: Bồ hoàng sao tán bột, mỗi lẫn uống 4g với nước cốt sinh địa (Thánh tể Tổng lục phương) .
3-Mụn mọc trong ruột, trĩ ra huyết, ra nước vàng: Bồ hoàng tán bột, mỗi lần uống 8g với nước lạnh (Trửu hậu phương) .
4-Phụ nữ có mang bị động thai như muốn đẻ non: Bồ hoàng sao đen tán bột, uống 4g với nước giếng (Tập nhất phương) ...
5-Hạ bộ bị thấp nhiệt, ẩm ướt gây ngứa ngáy, khó chịu: Sinh bồ hoàng tán bột thoa vài lần là khỏi (Thiên kim phương) .
6-Lỗ tai bị thối: Sinh bồ hoàng tán bột thổi vào vài lần là khỏi (Thánh huệ phương).
Thời gian gần đây cũng được nhiều nhà khoa học thử nghiệm và xác nhận có tác dụng cầm máu rất tốt; dùng trong đa số các chứng xuất huyết đều có hiệu quả. Cây bồn bồn hiện nay có rất nhiều ở nước ta, thế nhưng vị bồ hoàng vẫn còn phải nhập từ nước ngoài, tại sao ta chưa khai thác và đưa vào sử dụng loài dược thảo quý này?
Nguồn:SGGP-Nôngthôn-Bacsi.com
Tài liệu tham khảo
5-http://www.vacne.org.vn/default.aspx?newsid=148
                                                                                       Kỹ sư Hồ Đình Hải

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Toggle Footer
TOP