Theo Chủ tịch Hội y học cổ truyền Việt Nam, thầy thuốc Nhân dân, bác sỹ Trần Văn Bản, để tận dụng tối đa công dụng của các vị thuốc Bắc trong việc điều trị bệnh, khi sắc thuốc cần chú ý những điểm sau:
Trước khi sắc thuốc có nên rửa không?
Thuốc đã dùng để bốc thành thuốc thang đã được bào chế (đồng y gọi là thuốc chín), loại bỏ tạp chất, ngâm rửa, thái, phơi khô, sấy. Một số vị phải tẩm với muối, đường, giấm, nước cơm… sau đó phơi khô sao vang. Vì thế thuốc bắc trước khi cho vào ấm để sắc không nên rửa.
Không nên sử dụng đồ sắc thuốc bằng nhôm, sắt
Trong vị thuốc có rất nhiều chất acids, chất kiềm và muối. Các hoạt chất này sẽ tương tác với kim loại làm mất hoặc thay đổi dược tính của thuốc. Đồng thời những dụng cụ sắc bằng nhôm, sắt giữ nhiệt không tốt. Khi đun ở nhiệt độ cao một số vị có tinh dầu như: quế, hoắc hương, bạc hà… sẽ bị bay hơi nên không còn tác dụng. Siêu sắc thuốc bằng đất loại cổ truyền là tốt nhất. Nồi nấu bằng thuỷ tinh hoặc nồi nấu bằng sành cũng được.
Nên sắc thuốc trong thời gian bao lâu?
Trước khi sắc cần đổ ngập nước trên mặt thuốc. Cho thuốc vào trước, sau cho tiếp nước lạnh vào ngâm khoảng 1 giờ để nước ngấm vào bên trong các vị thuốc. Sau đó đun sôi, đun tiếp khoảng 30 phút mới tắt lửa, ủ thêm 5 – 10 phút mới chắt nước thuốc ra.
Tuy nhiên, thời gian sắc có thể tăng thêm hoặc giảm đi tuỳ thuộc vào loại, vị thuốc nào có trong thang thuốc. Nếu thang thuốc có các vị Hắc phụ tử, Bạch phụ tử thì thời gian sắc phải từ 2 tiếng rưỡi tới 3 tiếng. Các vị thuốc bằng nấm như Phục linh, Phục thần, Linh chi cần phải sắc ít nhất là 2 tiếng dược chất mới ra đủ. Các vị như Đại hoàng, Câu đằng thì chỉ được sắc khoảng 10 tới 15 phút
Thông thường mỗi thang thuốc cần được sắc làm 3 lần thì các thành phần của thuốc mới chiết hết ra được. Đến lúc chắt ra còn lại một bát nhỏ nước thuốc (khoảng 200 ml) là vừa.
Nếu thấy thuốc có hiện tượng mốc tuyệt đối không được dùng vì thuốc mốc đã bị phân hủy, không còn tác dụng thậm chí còn độc hại.
0 nhận xét:
Post a Comment